FAQs: Dán mắt điều trị nhược thị
Là một phụ huynh, bạn đang có những băn khoăn về việc bắt đầu điều trị nhược thị cho con bằng miếng dán mắt, hỗ trợ con tuân thủ điều trị hoặc muốn biết khi nào con mình sẽ được dừng điều trị, bài viết này chúng tôi tổng hợp những câu hỏi thường gặp nhất của người làm cha mẹ.
Tôi có thể chờ con mình lớn hơn mới bắt đầu điều trị được không?
Tôi không muốn dán kín 1 mắt của con mình vì nó có vẻ tàn nhẫn.
Tại sao con tôi không thể phẫu thuật để điều trị nhược thị thay vì dùng miếng che mắt?
Bác sĩ chỉ định con tôi cần che mắt 2 giờ mỗi ngày, tôi cần tuân thủ thời gian này như thế nào?
Khi nào tôi có thể dừng việc dán mắt cho con?
Sự cải thiện thị lực sau khi hoàn thành quá trình dán mắt là vĩnh viễn phải không?
Khi nào là quá muộn để bắt đầu điều trị bằng miếng dán?
Tôi có thể chờ con mình lớn hơn mới bắt đầu điều trị được không?
Hãy nhớ vỏ não thị giác (Brodmann 17, Visual one thuộc thùy chẩm) phụ trách chức năng nhận biết và xử lý hình ảnh phát triển nhanh trong những năm đầu đời (từ 1 - 6 tuổi) và thường hoàn thiện khi trẻ 11-12 tuổi.
- Thiếu tín hiệu kích thích hình ảnh từ mắt bởi bất cứ nguyên nhân nào dẫn đến không phát triển đầy đủ vỏ não thị giác, từ đó dẫn đến nhược thị.
- Bắt đầu can thiệp điều trị nhược thị ở độ tuổi từ 1-6 cho kết quả rất tốt, độ tuổi từ 7 đến 12 cho kết quả tốt; sau 12 tuổi vẫn có thể cải thiện nhưng không có gì đảm bảo.
Chính vì thế, khám tầm soát nhược thị ở độ tuổi nhỏ và bắt đầu điều trị sớm chính là nguyên tắc sống còn.
Tôi không muốn dán kín 1 mắt của con mình vì nó có vẻ tàn nhẫn.
Hãy nhớ nếu bạn quyết định không điều trị cho con, bạn có thể tước đoạt của trẻ nhiều thứ mà thực tế điều này đáng sợ hơn rất nhiều:
- Không có hoặc giảm thị giác hai mắt: Thị giác 2 mắt (binocular vision) là khả năng sử dụng cả hai mắt để nhìn và hiểu môi trường xung quanh. Điều này cho phép chúng ta xác định vị trí chính xác của các đối tượng trong không gian ba chiều, nhờ vào sự khác biệt nhỏ giữa hai hình ảnh thu được từ mỗi mắt. Thị giác 2 mắt cũng giúp chúng ta đánh giá khoảng cách và độ sâu một cách chính xác hơn. Hậu quả là khi trưởng thành con bạn sẽ gặp khó khăn trong việc sử dụng các thiết bị quang học 2 mắt như kính hiển vi, ống nhòm… trở thành nhà thiết kế xuất sắc, phi công hay bác sĩ phẫu thuật vi phẫu…
- Giảm thị lực 1 mắt: Tai nạn, chấn thương, bệnh lý hoàn toàn có thể xảy đến với 1 con mắt của con bạn trong suốt cuộc đời, có 2 con mắt tốt đồng nghĩa với có một phương án dự phòng cho các tình huống tồi tệ nhất. Ngoài ra, thị lực mắt kém hơn đạt từ 5/10 trở lên là điều kiện bắt buộc để được cấp bằng lái xe các hạng A2, A3, B2, C, D, FB2, FC, FD tại Việt Nam. Bạn không muốn con mình gặp những giới hạn về mặt pháp luật như vậy chứ?
Tại sao con tôi không thể phẫu thuật để điều trị nhược thị thay vì dùng miếng che mắt?
Trước hết cần phải nói phẫu thuật là cần thiết, và bắt buộc phải thực hiện trong 1 số trường hợp để phòng tránh nhược thị, đặt biệt nhược thị nguyên nhân từ trục thị giác; ví dụ:
- Đục thủy tinh thể bẩm sinh 1 mắt khuyến cáo mổ trước 6 tuần tuổi, có thể mổ ngay từ tuần tuổi đầu tiên.[1]
- Đục thủy tinh thể bẩm sinh 2 mắt có thể mổ khi trẻ đạt 8 tuần tuổi, và thực hiện trước 10 tuần.[2]
- Sụp mi nặng che kín lỗ đồng tử chắc chắn sẽ gây nhược thị, do đó cần thực hiện sớm khi trẻ khoảng 1 tuổi.[3]
Tuy nhiên, phẫu thuật không giải quyết được đối với các trường hợp nhược thị do khúc xạ (chiếm tỷ trọng lớn trong số nguyên nhân gây nhược thị). Đối với nhược thị do lác trong, các bác sĩ thường sẽ lựa chọn tập nhược thị bằng cách che mắt lành trước [4], sau đó mới phẫu thuật lác để tối ưu kết quả phẫu thuật (hạn chế lác tái phát), đôi khi phẫu thuật lác cũng chỉ giải quyết được yêu cầu thẩm mĩ. Các trường hợp nhược thị do lác, thời điểm lý tưởng để phẫu thuật lác vẫn chưa có quan điểm thống nhất và cần những nghiên cứu tiếp theo để làm rõ [5]
Phẫu thuật ở người lác, đục thủy tinh thể bẩm sinh hay sụp mi có vai trò như đeo kính ở người nhược thị do khúc xạ; nó giúp giải quyết nguyên nhân gây nhược thị, tuy nhiên trẻ vẫn cần được điều trị bằng che mắt để tối ưu kết quả của phẫu thuật và để giải quyết cơ chế gây nhược thị là thiếu tín hiệu thị giác từ mắt nhược thị đến vỏ não. Do đó, che kín mắt lành, buộc mắt nhược thị phải hoạt động luôn được coi là một phương pháp nền tảng trong điều trị nhược thị.
Bác sĩ chỉ định con tôi cần che mắt 2 giờ mỗi ngày, tôi cần tuân thủ thời gian này như thế nào?
- Mỗi ngày bạn cần che kín mắt đủ 2 tiếng, có thể che liên tục hoặc chia làm 2 lần mỗi lần 1 giờ. Tuy nhiên hầu hết phụ huynh thấy dán kín mắt liên tục trong 2 giờ sẽ thuận tiện hơn.
- Nếu 1 ngày nào đó bạn quên dán mắt cho con, hôm sau nên cộng thêm thời gian đã bị quên (tức là 4 tiếng che mắt, có thể chia đôi hoặc che mắt liên tục).
Khi nào tôi có thể dừng việc dán mắt cho con?
Sau khoảng 150 đến 400 giờ (khoảng 20 tuần tới 6 tháng), một số nghiên cứu đã nói như thế. Tuy nhiên thực tế phụ thuộc nhiều yếu tố. Về cơ bản bạn dừng dán mắt trong 2 trường hợp
Đạt mục tiêu điều trị
- Khi thị lực tối đa sau chỉnh kính của 2 mắt tương đương nhau (đối với nhược thị do khúc xạ lệch) hoặc mắt nhược thị không tăng thị lực sau 3 - 6 tháng (thông thường lúc này hầu hết trẻ đã đạt thị lực tối đa sau chỉnh kính trên 6/12).
- Khi 2 mắt định thị luân phiên (đối với nhược thị do lác).
Thất bại điều trị
Khi không có cải thiện về thị lực sau 3-6 tháng điều trị tuân thủ ở liều điều trị tối đa (che mắt toàn bộ thời gian thức).
Sự cải thiện thị lực sau khi hoàn thành quá trình dán mắt là vĩnh viễn phải không?
Không, nhược thị có thể tái phát, đặc biệt khi nguyên nhân gây nhược thị vẫn còn. Khoảng 25% trẻ tái phát nhược thị sau 1 năm dừng dán mắt, ít trẻ tái phát sau đó 2 năm. Vì thế các mốc tái khám thông thường là 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng, 18 tháng và 24 tháng kể từ thời điểm kết thúc điều trị.
Khi nào là quá muộn để bắt đầu điều trị bằng miếng dán?
Thông thường thời điểm bắt đầu điều sau 7 tuổi được coi là muộn, sau 12 tuổi là quá muộn. Thị lực sẽ phục hồi kém hơn khi thời điểm bắt đầu điều trị muộn. Tuy nhiên đã có những ca lâm sàng thị lực cải thiện ở người 14 tuổi, 17 tuôi, 30 tuổi vẫn cố gắng điều trị. Như vậy, trẻ lớn và người lớn nếu được chẩn đoán nhược thị vẫn có thể thử điều trị bằng phương pháp dán mắt, và dừng lại nếu thị lực không cải thiện sau 3 tháng.