Một số thông tin hữu ích cho phụ huynh khi trẻ bắt đầu điều trị nhược thị bằng miếng dán mắt

Bác sĩ kê đơn dán mắt cho con bạn để điều trị nhược thị nhưng không có đủ thời gian để giải thích đầy đủ cho bạn tất cả những thông tin quan trọng. Bạn có thể tham khảo bài viết này để hiểu cặn kẽ liệu pháp điều trị con mình chuẩn bị thực hiện hàng ngày.


  1. Hãy chắc chắn rằng bạn đã có đầy đủ thông tin điều trị che mắt theo bảng kiểm thông tin sau:

BẢNG KIỂM THÔNG TIN CHE MẮT ĐIỀU TRỊ NHƯỢC THỊ

  • Họ và tên trẻ: ____________________ Tuổi: ____________
  • Mắt nhược thị: Mắt phải (MP)______ Mắt trái (MT) ______
  • Nguyên nhân nhược thị: _____________________________
  • Thị lực tối đa sau chỉnh kính: MP _____ MT _____ (ngày ____/___/______)
  • Kiểm tra mắt nào cần được che kín: MP______ MT______
  • Dán mắt trong ____ giờ mỗi ngày, ____ ngày một tuần
  • Ngày hẹn tái khám: ____________________

Những thông tin trên tốt nhất nên được cung cấp đầy đủ bởi bác sĩ, nếu thiếu nội dung nào, bạn nên làm rõ với bác sĩ điều trị của con mình. Phụ huynh nên giúp trẻ tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu của bác sĩ để đạt được lợi ích tốt nhất từ việc dán mắt.

  1. Hiểu rõ cơ chế hoạt động của việc che mắt

  • Nhược thị xảy ra khi tín hiệu hình ảnh từ mắt đến não không đầy đủ. Như vậy vỏ não sẽ bỏ qua tín hiệu từ mắt yếu hơn, và phần vỏ não thị giác được kết nối với mắt yếu hơn (mắt nhược thị) sẽ mất hoặc giảm chức năng - hình bên trái.
  • Che mắt lành (mắt tốt hơn) có tác dụng buộc não bộ phải xử lý tín hiệu từ mắt nhược thị, giúp hình thành và củng cố đường dẫn truyền thần kinh từ mắt nhược thị tới não bộ, khôi phục chức năng thị giác đối với mắt nhược thị - hình bên phải.
  • Nếu khả năng ngôn ngữ của trẻ tốt, bạn có giải thích với con theo cách dễ hiểu để bé hiểu rằng che một con mắt là điều thực sự cần thiết.

3. Tips giúp trẻ làm quen với việc che mắt

Một số gợi ý để miếng che mắt sớm trở thành thói quen hàng ngày của trẻ:

  • Bắt đầu việc che mắt với một điều vui nhộn: “Đã đến lúc bắt con mắt lười biếng phải làm việc, con mắt chăm chỉ có thể đi ngủ rồi”; bạn cũng có thể gọi con mắt nhược thị của trẻ là mắt lười, điều đó dễ hiểu hơn, và trẻ cũng dễ chấp nhận cho con mắt chăm chỉ nghỉ ngơi và bắt con mắt lười hơn phải làm việc.
  • Kết thúc việc che mắt với phần thưởng nhỏ như sticker cuối ngày và đưa trẻ đi chơi vào cuối tuần. Một số trẻ thích tự tháo miếng dán mắt của mình khi kim đồng hồ chỉ đến 1 số nào đó hoặc chuông hẹn giờ kêu.
  • Bố mẹ cũng có thể tạo 1 dãy sticker hình biểu cảm mặt người; sticker mặt cười cho những ngày trẻ hoàn thành tốt việc dán mắt, và sticker mặt buồn cho những ngày trẻ làm không tốt. Những đứa trẻ thường không muốn trông thấy sticker mặt buồn trên bảng theo dõi của cha mẹ.
  • Không nên bắt đầu việc điều trị ở những ngày trẻ ốm, mệt vì chúng sẽ ít hợp tác hơn.

4. Đảm bảo trẻ an toàn với một con mắt được dán kín

Hãy nhớ rằng nếu thị lực của con bạn kém ở mắt bị nhược thị, trẻ có thể vụng về khi dán kín con mắt tốt hơn. Con sẽ gặp trở ngại khi ước lượng khoảng cách giữa các vật, dễ vấp ngã và va đụng nhiều hơn, đặc biệt khi mới sử dụng biện pháp điều trị này. Trẻ có thể than phiền về sự khó chịu do nhìn không rõ, bố mẹ nên quan sát để đảm bảo an toàn và dành nhiều thời gian hỗ trợ con ở thời điểm ban đầu. Trẻ sẽ sớm quen vì thị lực thường sẽ cải thiện rõ trong 4 - 6 tuần đầu tiên, và do bộ não của trẻ em vô cùng linh hoạt với những thử thách.

5. Một số mẹo hữu ích khác

  • Trong cuộc gặp với bác sĩ, bố mẹ có thể mang theo tranh tô màu hoặc những đồ vật con làm ra trong lúc đeo miếng dán để con tự tin hơn khi chuyện trò với bác sĩ.
  • Với trẻ mới biết đi, bố mẹ có thể đeo cho trẻ 1 găng tay dày, bé sẽ không thể gỡ miếng dán mắt bằng bàn tay chưa đủ khéo léo của bé. Đưa bé dạo chơi bằng xe đẩy, dán mắt khi cho bé ăn cũng sẽ làm bé phân tâm với việc cố gắng tháo miếng dán trên mắt ra. Bố mẹ nên chuẩn bị tinh thần cho việc dành nhiều thời gian hơn, có thể phải chơi với con liên tục để đảm bảo miếng dán không bị tháo ra khỏi mắt con, khi thị lực mắt nhược thị được cải thiện, bé cũng sẽ bớt phản đối việc dán con mắt còn lại.
  • Điều này chưa được chứng minh rõ ràng, tuy nhiên bạn có thể cho con làm những công việc ưa thích ở cự ly gần (đọc sách, chơi trò chơi điện tử, tô màu, ghép tranh…) với hy vọng những hoạt động đòi hỏi phối hợp tay mắt và những kích thích màu sắc có thể con mắt nhược thị hồi phục nhanh hơn về thị lực và các chức năng thị giác.