Sự phát triển thị giác và thị giác hình nổi
1. Sự phát triển bình thường của hệ thống thị giác và đường dẫn truyền thị giác
Hệ thống thị giác (võng mạc, dây thần kinh thị giác và vỏ não thị giác) chưa trưởng thành khi sinh. Nó bắt đầu trưởng thành trong những tuần đầu tiên của cuộc đời. Sự Myelin hóa các dây thần kinh thị giác, sự phát triển của vỏ não thị giác và sự phát triển của thể gối bên xảy ra trong hai năm đầu tiên. Vùng hoàng điểm, phần nhạy cảm nhất về mặt thị giác của võng mạc, đạt đến độ trưởng thành vào khoảng bốn tuổi.
Sơ đồ đường dẫn truyền thần kinh thị giác (nguồn: wikipedia)
Thời kỳ trưởng thành thị giác là giai đoạn quan trọng vì nó bị ảnh hưởng bởi các tác động bên ngoài. Đường dẫn truyền thị giác cần các kích thích từ bên ngoài để phát triển bình thường, đòi hỏi não nhận được hình ảnh rõ ràng từ cả hai mắt, do đó các vấn đề khác nhau gây ảnh hưởng hoặc làm ức chế sự phát triển của đường dẫn truyền thị giác (ví dụ:, tật khúc xạ, lác, đục thủy tinh thể) có thể dẫn đến nhược thị.
Biểu hiện hệ thống thị giác phát triển bình thường có thể quan sát được qua hành vi thị giác của trẻ như sau:
Tuổi (tháng) | Biểu hiện hành vi thị giác |
0 đến 1 | Hướng mắt, quay đầu để nhìn vào các nguồn sáng |
Theo dõi chuyển động theo phương ngang | |
Giao tiếp bằng mắt lúc 6 đến 8 tuần | |
2 đến 3 | Giao tiếp bằng mắt tương đối hoàn thiện |
Theo dõi chuyển động theo phương dọc và vòng tròn | |
Thích thú với chuyển động | |
Thích thú với việc "đọc môi" | |
3 đến 6 | Nhìn chăm chú vào tay của bé |
Đưa tay với, sau đó cầm nắm và treo, đặt đồ vật | |
Quan sát đồ chơi rơi xuống và lăn đi | |
Di chuyển định thị theo đường giữa | |
Mở rộng dần không gian thị giác | |
7 đến 10 | Phát hiện được mảnh vụ nhỏ bánh mì |
Chạm vào mảnh vụn đó và rồi kẹp chặt | |
Thích thú với những bức tranh | |
Nhận dạng được các đối tượng ẩn một phần | |
11 đến 12 | Định hướng trực quan tại nhà |
Nhìn qua cửa sổ và nhận ra mọi người, nhận dạng các bức tranh, biết chơi trốn tìm |
- Khả năng định thị (tập trung nhìn vào 1 vật) có thể đạt được một thời gian ngắn sau khi sinh. Thị lực của trẻ sơ sinh được ước tính là khoảng 20/400 (hàng đầu tiên trên bảng đo thị lực).
- Khả năng theo dõi chuyển động của một đối tượng có thể đạt được ở hầu hết trẻ sơ sinh ba tháng tuổi.
- Thị giác hình nổi (lập thể) và chức năng thị giác hai mắt phát triển trong độ tuổi từ ba tháng đến bảy tuổi.
- Thị lực đạt đến mức độ của người lớn 20/20 khi trẻ từ ba đến năm tuổi, mặc dù trẻ nhỏ thường sẽ không cần phải thực hiện kiểm tra thị lực đến mức này.
2. Thị giác hình nổi (thị giác lập thể)
Thị giác hình nổi là khả năng nhìn thấy và nhận thức các vật thể trong 3 chiều. Mỗi mắt của chúng ta nhìn thấy một góc nhìn hơi khác nhau về môi trường xung quanh và não của chúng ta kết hợp hai hình ảnh đó và diễn giải chúng thành hình dạng 3D. Để có được thị giác lập thể,chúng ta phải có thị lực tốt ở cả hai mắt và có khả năng giữ cho hai mắt thẳng hàng với nhau (không lác).
Làm sao để biết một đứa trẻ đã có thị giác lập thể?
Tại phòng khám mắt, thị giác lập thể được khám bằng cách sử dụng một số dụng cụ quang học như sau:
- Bảng Titmus: Đây là một trong những phương pháp đánh giá thị giác lập thể phổ biến nhất. Bảng Titmus có các hình ảnh đặc biệt được thiết kế để đánh giá khả năng nhận biết chiều sâu thị giác của trẻ. Bác sĩ sẽ yêu cầu trẻ chỉ ra hình ảnh mà trẻ nhìn thấy rõ nhất.
- Kính đỏ - xanh: Trẻ sẽ đeo một cặp kính đặc biệt có một mắt kính màu đỏ và một mắt kính màu xanh. Trên các hình ảnh sẽ có các điểm hoặc hình vẽ chỉ có thể nhìn thấy khi nhìn qua kính màu đỏ hoặc xanh. Khả năng nhìn thấy và phối hợp các hình ảnh này giúp đánh giá thị giác lập thể của trẻ.
Giai đoạn phát triển thị giác lập thể?
Từ 3 tháng đến 7 tuổi: Nếu trẻ bị nhược thị và/hoặc lác mắt, thị giác lập thể sẽ không hình thành hoặc mất đi nhanh chóng trong giai đoạn này. Thậm chí, nếu thị giác lập thể bị mất đi trong một thời gian dài, việc điều trị lác và điều trị nhược thị cũng không giúp khôi phục được thị giác lập thể.
Không có thị giác lập thể có phải là một vấn đề lớn không?
- Đây là một điều không đáng lo ngại. Thị giác lập thể không có vai trò thiết yếu trong cuộc sống, 5% người bình thường không phát triển thị giác lập thể và họ vẫn có thể sử dụng những dữ kiện khác nhau để đánh giá độ sâu, khoảng cách trong không gian và có thể sinh hoạt, học tập, chơi thể thao như bình thường.
- Chỉ có một số nghề đặc biệt cần thị giác lập thể như phi công, phẫu thuật vi phẫu.